Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

Sự khác biệt của Truyền hình với các loại hình báo chí, nghệ thuật

Bài thứ nhất: Đặc trưng Báo chí truyền hình - Nhà báo truyền hình 



Điều đầu tiên chúng ta cần nhận thấy Điện ảnh là cội nguồn trực tiếp của truyền hình. Điện ảnh bắt đầu từ việc ghi lại những hình ảnh của chính cuộc sống. Điện ảnh dùng ngôn ngữ của hình ảnh động, kết hợp với lời, âm nhạc và tiếng động. Đó chính là ngôn ngữ của các hình tượng nghe nhìn.

Hiển nhiên Điện ảnh là một nghệ thuật tổng hợp, chứa đựng những phẩm chất của văn học, nghệ thuật tạo hình, sân khấu cũng như âm nhạc.
Cũng giống như Điện ảnh, Truyền hình có khả năng phản ánh hiện thực một cách chân thực trên màn ảnh nhờ những hình ảnh trên thị giác luôn chuyển động kết hợp với âm thanh.
Cơ sở ngôn ngữ của điện ảnh và truyền hình là một bởi lẽ trước mắt công chúng đều là màn ảnh.
Sự gần gũi về nguồn gốc của truyền hình với các phương tiện truyền thông và các loại hình nghệ thuật là khá rõ ràng: Đó là đối thoại, hành động, nghệ thuật diễn xuất. Truyền hình vay mượn từ điện ảnh màn hình và các phương tiện biểu hiện thị giác. Truyền hình còn vay mượn từ phát thanh tính rộng khắp và tính đồng thời ( tính trực tiếp).
Báo in, phát thanh còn chia sẻ với Truyền hình chức năng xã hội của mình.

Nhà báo truyền hình là ai?

Trước hết chúng ta bắt đầu từ một khái niệm chung nhất về truyền hình.
Báo chí truyền hình đó là sự tổng hợp các yếu tố chính trị, nghệ thuật trên cơ sở kỹ thuật.
Các chương trình truyền hình bao giờ cũng là một sản phẩm của một tập thể sáng tạo và trả lời cho những vấn đề chính trị đã được xác định, thông qua những yêu cầu về kỹ thuật và nghệ thuật.
Hoạt động của nhà báo truyền hình rất quen thuộc với công chúng. Cùng với camera, các nhà báo truyền hình thường xuất hiện ở nơi xảy ra các sự kiện quan trọng, thú vị mà xã hội quan tâm. Họ đưa ra những câu hỏi cho những người đối thoại, giới thiệu đại diện tham gia chương trình, đồng thời điều phối những hành động tương hỗ theo dư luận xã hội, dựa trên khối óc, con tim công chúng của mình.
Sự đóng góp của mỗi phóng viên và người quay phim cùng các thành viên trong êkip vào một chương trình truyền hình có thể so sánh như những mảnh gốm sứ nhiều màu sắc trong bức tranh toàn cảnh lung linh, đa tạp của truyền hình giữa một thế giới đầy biến động.

Tính chân thực trong bức tranh truyền thông đại chúng được đưa ra bởi những người đương thời nhưng phụ thuộc vào trình độ nghề nghiệp, quan niệm đạo đức và cả nhận thức về vai trò của người làm truyền hình trong xã hội, dân tộc, quốc gia và nhân loại.
Công việc của nhà báo truyền hình luôn luôn chứa đựng các mâu thuẫn.
Một mặt anh ta phải là tác giả của những cốt chuyện trong các chương trình truyền hình. Mặt khác anh ta phải liên tục lặp lại công việc nhàm chán là đến trường quay từ ngày này sang ngày khác, đi đến mọi ngóc ngách, tìm hiểu những thân phận và những nguyên tắc nghề nghiệp trong khi sự đòi hỏi thưởng thức ngày càng cao và đa dạng của công chúng truyền hình.
Nhà báo nói chung và nhà báo truyền hình nói riêng luôn có một sự phát hiện đặc biệt bằng kiến thức tổng hợp và khả năng quan sát. Họ “Phát hiện cái bất thường trong một sự việc, nhân vật, sự kiện bình thường”.



Những “lát cắt” về cuộc sống thể hiện tài năng của nhà báo trong việc tìm kiếm đề tài, xác định trọng tâm của của câu chuyện bằng hình ảnh.
Hình ảnh trong tác phẩm truyền hình trả lời câu hỏi Cái gì? Còn lời bình trả lời câu hỏi tại sao?
Các nhà báo truyền hình rất thấm thía khái niệm lời bình trong tác phẩm truyền hình “ Là một bài văn không hoàn chỉnh có những lỗ hổng được lấp đầy bằng hình ảnh và âm thanh”.
Trọng tâm của câu chuyện mà nhà báo truyền hình cần chú ý thể hiện qua các câu hỏi:
Ai (Who)? Làm cái gì ( What)? Tại sao ( Why)?
Nhà báo cũng cần xác định chính xác tiêu chí của một tác phẩm truyền hình tốt. Đó là các tiêu chí sau:
 - Thông tin có phong phú, đa chiều;
 - Có phù hợp vơí đối tượng thông tin;
 - Có gần gũi và hấp dẫn công chúng không;
 - Có sự phân tích sâu không?
 - Có tính thời sự không?
 - Thời điểm phát sóng có phù hợp không?
 - Kết cấu tác phẩm, hình thức thể hiện: Thể hiện của MC,
 - Có độc đáo, hấp dẫn không?
 -  Hình hiệu, đồ hoạ.

Để tìm hiểu những đặc trưng của truyền hình chúng ta cùng nhau tìm hiểu những đặc điểm giống nhau và những khác biệt của truyền hình với các loại hình báo chí và các loại hình nghệ thuật của nhân loại.





Truyền hình và phát thanh

Sự khác biệt lớn nhất giữa phát thanh và truyền hình là ở chỗ: Phát thanh chỉ có thể tác động đến thính giác của con người thì truyền hình lại tác động tới thị giác của con người.Trong truyền hình công chúng không còn phải tưởng tượng ra bối cảnh, địa điểm, thể chất của nhân vật vì được xem chương trình bằng cả thính giác và thị giác trực tiếp.
Trên cơ sở âm thanh, phát thanh có khả năng ảnh hưởng mạnh đến trí tưởng tượng và sự sáng tạo nơi thính giả.
Truyền hình kế thừa ở Phát thanh việc sử dụng âm thanh ( Tiếng động hiện trường, tiếng động giả, âm nhạc và giọng nói của người dẫn chương trình…)

Truyền hình và sân khấu
Nghệ thuật Sân khấu và truyền hình có những nét tương đồng là cùng một thời điểm công chúng được chứng kiến sự vật, hiện tượng của cuộc sống thông qua thị giác. Công chúng vừa được nghe vừa được nhìn thấy những gì đang diễn ra.Tuy nhiên số lượng khán giả thì có sự khác biệt lớn. Truyền hình bằng những trang thiết bị truyền dẫn phát sóng hiện đại có thể có đến cả tỷ khán giả cùng theo dõi và cùng sống với một sự kiện đặc biệt của thế giới ví dụ như cúp bóng đá thế giới, Olimpic…
Sự khác nhau giữa truyền hình và sân khấu thể hiện qua sự tác động của khán giả trực tiếp đến vở kịch còn với truyền hình thì không. Tuy nhiên sự phát triển của truyền hình tương tác ngày nay đã dần dần xóa đi sự khác biệt này.Quả là sự so sánh luôn chỉ là tương đối!
Sự khác biệt nữa là đặc tính thay đổi tiêu cụ của camera và chia cắt không gian tạo ra một dòng chảy liên tục các hình ảnh trong truyền hình là sự khác biệt lớn với nghệ thuật sân khấu.
Ngày nay với các chương trình sân khấu truyền hình, sẽ có sự khác biệt lớn bởi tác phẩm sân khấu được sáng tạo hoặc làm giảm giá trị nghệ thuật khi được truyền hình trực tiếp trên sóng. Ví dụ như chương trình nhà hát truyền hình phát sóng trực tiếp trên VTV1 vào tối thứ bảy hàng tuần.

Truyền hình và điện ảnh
Trong các loại hình nghệ thuật, thì Điện ảnh gần với Truyền hình hơn cả vì sự hiện hữu của màn hình hai chiều chứa đựng những hình ảnh chuyển động và âm thanh.
Truyền hình vay mượn của điện ảnh ngôn ngữ cùng các thủ pháp dựng phim, nhưng nó lại có sự khác biệt là khả năng đưa những hình ảnh của cuộc sống hiện tại lên màn hình, tạo ra sự hành động và cùng sống với nhân vật và sự kiện. Đó chính là tính chất đặc biệt của truyền hình giữa không gian tiếp nhận và màn hình. Điện ảnh là loại hình nghệ thuật dành cho nhận thức của số đông, trong khi truyền hình hướng tới dư luận xã hội. Hơn thế nó còn tạo ra dư luận xã hội. Nói cách khác truyền hình có chức năng báo chí, còn điện ảnh là chức năng nghệ thuật.
Cũng như sân khấu, truyền hình sử dụng đài từ và diễn xuất của diễn viên, nhưng nhờ phương tiện kỹ thuật nó tạo cho công chúng cảm giác trung thực về thời gian và không gian.
Sự khác nhau giữa sân khấu và truyền hình ở chỗ môi trường và điều kiện tiếp nhận khác biệt nhau.Trước mắt công chúng truyền hình là khoảng không gian được định hình và bị chia nhỏ bởi nghệ thuật dựng phim, nghệ thuật quay phim thông qua cỡ cảnh, động tác máy, khuôn hình nên tác động tới công chúng mạnh hơn sân khấu.
Sự khác biệt giữa phát thanh và truyền hình nằm ở trong các phương tiện biểu cảm..
Âm thanh là phương tiện biểu hiện duy nhất của phát thanh, còn truyền hình lại tác động bằng hình ảnh.Để có được cái nhìn chính xác hơn về truyền hình, chúng ta hãy cùng điểm lại những đặc trưng cơ bản của Điện ảnh.

Ba đặc trưng của nghệ thuật điện ảnh là:
1.Tính quần chúng
2.Tính Phức hợp
3.Tính tổng hợp.




Tính quần chúng:
Vì số lượng người xem rất đông đảo, lại rất khác nhau về trình độ, kinh nghiệm, giới tính, tôn giáo, sắc tộc nên
- Yêu cầu đầu tiên của tính quần chúng là phải truyền đạt những cái khó, phức tạp một cách dễ hiểu.
- Yêu cầu thứ hai của tính quần chúng là phải hấp dẫn công chúng. Đây là một yêu cầu vô cùng khó khăn phức tạp đối với tác giả, đòi hỏi sự lao động suốt cả cuộc đời.
Và để làm ra sự hấp dẫn của tác phẩm điện ảnh chúng ta phải nghiên cứu một môn học, đó là kịch học điện ảnh. 
- Yêu cầu thứ ba của tính quần chúng là không độc hại với con người trong sự đa dạng của phong tục, tập quán và văn hóa của các dân tộc trên trái đất.

Tính phức hợp:
Trong nghệ thuật điện ảnh chúng ta thấy tác phẩm điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện bằng hình có thêm tiếng phụ hoạ nhờ phương pháp tạo hình.
Để đảm bảo tính phức hợp của điện ảnh là phải thể hiện nghệ thuật quốc tế và những quy ước quốc tế một cách hết sức dân tộc và không lặp lại.
Chúng ta phải tận dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhưng tránh lạm dụng vì kỹ thuật nâng cánh cho nghệ thuật nhưng không phải là yếu tố quyết định chất lượng của phim.

Tính tổng hợp:
Vì nghệ thuật điện ảnh là nghệ thuật thứ bảy sau văn học, kiến trúc, hội hoạ, sân khấu, âm nhạc, nhiếp ảnh nên nó không chỉ là phép cộng của các loại hình nghệ thuật kia cộng lại. Nó chính là tiếp thu những ưu điểm của các nghệ thuật trước nó phục vụ cho điện ảnh.
Sau những so sánh giữa truyền hình và các loại hình báo chí và nghệ thuật, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu đặc trưng của Truyền hình.

Không có nhận xét nào: