Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

CĂN BẢN VỀ KỊCH BẢN


1. Khái niệm về kịch bản

Kịch bản bắt nguồn từ tiếng La tinh csenario, có nghĩa là văn bản kịch hoặc văn bản viết có tính kịch dùng để chỉ một bộ phận cấu thành rất quan trọng của tác phẩm văn học, điện ảnh hay truyền hình.

Theo từ điển tiếng Việt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, Nxb Khoa học xã hội định nghĩa: “Kịch bản- đó là vở kịch ở dạng văn bản”.

Tuy nhiên, nếu đưa ra khái niệm này vào các dạng kịch bản văn học, kịch bản điện ảnh và kịch bản truyền hình, thì việc giải nghĩa trên đây là chưa thật đầy đủ, đặc biệt đối với kịch bản truyền hình.

Thuật ngữ kịch bản tồn tại đã lâu. Từ dùng để chỉ một chương trình đã được phác thảo hoặc bản tóm tắt của một tác phẩm kịch. Nó được hiểu như một bản miêu tả sơ lược trật tự các lớp của của vở diễn. Bản thân từ “Senari” xuất hiện thuật ngữ sân khấu “Senarius”, chỉ người đứng sau sân khấu chỉ đạo cho các diễn viên bao giờ đến lượt họ ra biểu diễn, đồng thời theo dõi để những hành động diễn ra kịp thời, đúng lúc.

Để tồn tại với một diện mạo phong phú và cách thức ứng dụng linh hoạt như hiện nay, kịch bản đã có một lịch sử về nguồn gốc của nó. Kịch bản xuất hiện cùng với sự ra đời của loại hình sân khấu kịch, cũng có thể coi nguồn gốc của nó là kịch bản văn học. Người viết kịch bản phải biết xuất phát từ những sự đối lập đang âm ỉ hay đã vùng trỗi dậy trong hiện thực đời sống để sáng tạo những tình huống xung đột vừa khái quát, vừa cụ thể. Trải qua nhiều bước kế thừa và phát triển, kịch bản dần dần đã có sự biến hoá linh hoạt để thích ứng với từng loại hình sáng tác. Lịch sử loài người là lịch sử của những kế thừa. Điện ảnh ra đời là sự kế thừa của nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc; còn truyền hình là sự kế thừa từ điện ảnh và báo chí. Như vậy, sự ra đời của các dạng kịch bản đều là một sự phát triển có tính kế thừa, tính chọn lọc trên cơ sở đặc thù riêng của mỗi loại hình.

Mỗi loại hình văn học nghệ thuật, điện ảnh hay truyền hình (có thể coi truyền hình cũng là một loại hình mang tính chất nghệ thuật, bởi truyền hình là sự kết hợp của điện ảnh và báo chí) đều có những đặc thù riêng, đặc trưng và tính chất riêng. Vì thế, khái niệm kịch bản đi vào từng loại hình được “biến hoá” sao cho phù hợp với những tính chất đặc trưng riêng của nó. Do đó, nó có nhiều hình thức biểu hiện đa dạng chứ không phải chỉ là vở kịch ở dạng vản bản, vấn đề này chúng tôi xin đề cập phân tích ở những phần sau.

Các loại kịch bản khác nhau như vậy liệu có thể gọi chung từ gốc “kịch bản” trong kịch bản văn học, sân khấu, điện ảnh truyền hình được hay không. Tại sao gọi chung là kịch bản nếu giữa chúng không có nét gì chung. Điểm chung, nét chung nhất của các loại kịch bản này là gì? Đó là tác dụng, vai trò, chức năng của kịch bản.

So với các loại hình nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc, thơ văn, âm nhạc, một đặc trưng là từ khâu ý đồ sáng tác đến hoàn thành tác phẩm có thể hoàn toàn do công lao của người nghệ sỹ, cá nhân người nghệ sỹ. Đó là những sáng tạo “âm thầm” của mỗi cá nhân nghệ sỹ với biến động cuộc đời. Trong khi đó, sân khấu (kịch nói, kịch truyền thống), điện ảnh, lại là một nghệ thuật tập thể có sự đóng góp của diễn viên, tác giả kịch bản, hoạ sỹ trang trí, nhạc sỹ, người làm công tác hậu trường...dưới sự điều khiển của đạo diễn. Tác phẩm truyền hình cũng là kết quả góp sức của tập thể đạo diễn, biên tập, cộng tác viên, kỹ thuật viên, quay phim... Người tham gia làm ra sản phẩm đều phải tập trung góp phần tạo ra sản phẩm hay nhất, tốt nhất. Đối với tính chất làm việc tập thể này, sự có mặt của một kịch bản hết sức có ý nghĩa. Kịch bản trước hết vạch ra “đề cương” tác phẩm, thứ hai, kịch bản đóng vai trò như một yếu tố liên hệ giữa những cá nhân có liên quan đến công việc, liên hệ giữa yếu tố kỹ- nghệ thuật, thống nhất nhất hành động, các phương tiện biểu hiện ăn khớp bổ trợ cho nhau tạo nên một chỉnh thể, một tác phẩm hoàn hảo.

Kịch bản là một vở kịch, một bộ phim, một chương trình được phác thảo, mô hình hoá, trên văn bản với tư cách là một đề cương, hay chi tiết đến từng chi tiết nhỏ (tuỳ theo yêu cầu của mỗi loại hình), là cơ sở chính cho “tập thể tác giả” làm nên, hoàn thiện tác phẩm của mình.


2. Nguồn gốc kịch bản

Theo định nghĩa trên đây kịch bản là “một vở kịch dạng văn bản”, kịch bản ra đời cùng với sự xuất hiện của loại hình kịch (hay phương thức kịch).

“Kịch thường được hiểu vừa theo nghĩa là một loại hình nghệ thuật sân khấu, vừa có nghĩa là một kịch bản văn học”.

Như vậy nguồn gốc của kịch bản là kịch bản văn học. Nghiên cứu kịch bản văn học qua phương thức kịch. Là một thể loại văn học nằm trong thể loại kịch, tác phẩm kịch nói chỉ thực sự khai thác trọn vẹn khi được trình diễn trên sân khấu. Kịch cũng là một loại hình sân khấu. Sau lao động của nhà văn (người sang tác kịch bản văn học) là chặng đường sáng tạo thứ hai của đội ngũ nghệ sỹ sân khấu gồm đạo diễn, diễn viên, nhạc sỹ, hoạ sỹ. Bằng những ưu thế riêng của dàn dựng, diễn xuất, âm nhạc, trang trí...họ đã tái hiện sinh động, trực tiếp nội dung của kịch bản văn học trên sân diễn.

Không phải bất cứ một kịch bản văn học nào cũng có điều kiện được dàn dựng trên sân khấu. Kịch bản văn học có đầy đủ những đặc trưng riêng trong cấu trúc hình tượng, trong phương thức biểu hiện, trong ngôn ngữ nghệ thuật nên người ta vẫn có thể thưởng thức tác phẩm kịch bằng cách đọc kịch bản văn học. Khác với kịch múa, kịch hát, kịch sân khấu truyền thống (như chèo, tuồng, cải lương)... là những loại hình chỉ có thể thưởng thức được nếu chúng được trình diễn trên sân khấu, bởi lẽ, phương tiện biểu hiện chủ yếu của những loại hình này mang tính đặc thù cao: những động tác múa nếu đó là kịch múa, là làn điệu đó là kịch hát. Tuy nhiên, kịch bản không thể thay thế và bộc lộ được đầy đủ vẻ đẹp của một tác phẩm kịch như được trình diễn trên sân khấu. Các nhà viết kịch nổi tiếng thế giới như Molie, Secxpia hay những nhà văn chuyển thể từ tác phẩm văn học sang kịch bản văn học như Gôgôn, Ôxtơrôpxki, Sêkhốp, Gorki... đều thừa nhận mối liên hệ mật thiết giữa kịch bản văn học với bộ môn nghệ thuật sân khấu, trong đó kịch bản văn học là linh hồn, là cái gốc của sự thành công. Vì thế việc tìm hiểu đặc trưng của thể kịch bản văn học theo hướng tiếp cận từ phía sân khấu là hợp lý.

Cũng như các loại hình sân khấu khác, đặc trưng của kịch không thể thoát li khỏi những điều kiện sân khấu và giới hạn về mặt không gian, thời gian, khối lượng sự kiện, số lượng nhân vật. Tác phẩm kịch không chứa một dung lượng hiện thực lớn, bề bộn như tiểu thuyết, cũng không lắng lại trong những mạch chìm của cảm xúc như thơ trữ tình. Gạt bỏ đi tất cả những rườm rà, tản mạn, không phù hợp với điều kiện sân khấu, kịch lựa chọn những xung đột trong đời sống làm đối tượng mô tả. 

3. Những đặc trưng và yếu tố của kịch

3.1. Xung đột kịch

Cũng là việc miêu tả những bức tranh sinh hoạt của đời sống xã hội, nhưng không giống với thơ ca, tiểu thuyết, không gian và thời gian của một tác phẩm kịch bị giới hạn, không có thì giờ rông dài để mạn đàm, giải thích, luận bàn. Trong kịch hiện thực bị dồn nén. Cốt truyện phải có tính kịch.

Nhà phê bình văn học nổi tiếng Bêlinxki đã nhận xét:

“Tính kịch được bộc lộ bằng sự va chạm, xô đẩy giữa những tư tưởng có khuynh hướng chống đối và thù địch nhau”.

“Nếu hai người tranh cãi nhau về một vấn đề gì đó thì ở đây không có kịch và cũng không có yếu tố kịch, nhưng khi người ta cãi nhau mà người này muốn trội hơn người kia cố sức đánh vào mặt nào đó của tính cách, đánh vào những điểm yếu rồi thông qua đó mà biểu lộ các tính cách trong cuộc cãi nhau làm cho có quan hệ mới đối với nhau, thế thì đây đã là kịch rồi”.Tính kịch bộc lộ qua những xung đột, mang sắc thái thẩm mỹ khác với những xung đột thơ và tiểu thuyết. Đó là tính tập trung cao độ của xung đột kịch, sự chi phối trực tiếp đến cấu trúc tác phẩm, đến nhịp độ vận động khác thường của cốt truyện, xung đột là động lực thúc đẩy phát triển của hành động kịch, nhằm xác lập nên những mối quan hệ mới giữa các nhân vật vốn được coi là kết thúc tất yếu của tác phẩm kịch.

Thiếu xung đột, tác phẩm sẽ mất đi đặc trưng cơ bản của thể loại và không thể là một kịch bản văn học.

Để khám phá được vấn đề thuộc về bản chất của đời sống xã hội, người viết kịch phải tạo được những xung đột mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Hiện thực là sự vận động đa chiều của các phạm trù thẩm mỹ (cái đẹp-cái xấu; cái cao cả- cái thấp hèn; cái thiện – cái ác; cái tiến bộ – cái lạc hậu). Xung đột kịch thường nằm ở thời điểm cao trào của sự vận động ấy. Từ những mâu thuẫn tồn tại trong lòng hiện thực, người viết kịch bản phải tiến hành quá trình chọn lọc, tổng hợp, sáng tạo nên những xung đột vừa mang tính chất khái quát, vừa mang tính điển hình hoá.

Xung đột kịch có thể được biểu thị bằng mối xung đột giữa tính cách và hoàn cảnh, giữa tính cách với tính cách hay trong bản thân một tính cách.

Tất cả đều phải đạt đến tính chân thực và điển hình. Thiếu ý nghĩa điển hình, kịch bản văn học chỉ là sự mô phỏng những mâu thuẫn vụn vặt, tầm thường của cuộc sống, thiếu ý nghĩa chân thực, kịch bản văn học chỉ là sự giả tạo, là những dòng lý thuyết suông.

3.2. Hành động kịch

Trong đời sống hàng ngày, hành động là phương tiện bộc lộ rõ rệt bản chất của từng người. Trong văn học, kịch là thể loại mang lại sự nhận thức thực tại thông qua hành động. Tuy nhiên hành động ở đây không chỉ là động tác, cử chỉ của nhân vật mà là hành động trong mối tương quan với các yếu tố cấu thành nên tác phẩm như xung đột cốt truyện và nhân vật, được thể hiện trong kịch bản văn học.

Trong kịch, nếu xung đột là điều kiện cần thiết làm nảy sinh tác phầm thì hành động lại là yếu tố duy trì sự vận hành của tác phẩm đó.

Xung đột là một quy tụ, chọn lọc và tổ chức hành động kịch, hành động kịch là sự thể hiện trực tiếp nội dung của xung đột kịch, nhưng hành động là yếu tố giải toả nội dung của xung đột ấy và nó là yếu tố đặc trưng không thể thiếu đối với bất kỳ một kịch bản văn học nào. Hành động kịch thường phát triển theo hướng thuận chiều của xung đột kịch. Xung đột càng căng thẳng thì thiên hường hành động càng trở nên quyết liệt, làm tăng thêm sự hấp dẫn của tác phẩm.

Hành động kịch là một chuỗi hành động liên tục xoay quanh trục xung đột “các hành động vấp phải phản hành động thì phản hành động lại thúc đẩy hành động” Cứ như thế, nội dung câu chuyện kịch vận động nhanh tới kết thúc.

Do sự chi phối của sân khấu, cột truyện kịch thường rất chặt chẽ, tập trung. Nó không dung nạp những chi tiết vụn vặt, những đoạn bình luận trữ tình ngoại đề (khác với loại ca kịch truyền thống: thường xuất hiện đoạn trữ tình ngoại đề qua các lời ca, tiếng hát) ngoài cốt truyện như trong mạch tự sự.

Cốt truyện bằng hành động xoáy vào trọng tâm xung đột bằng sự liên kết theo một quy luật riêng: quy luật nhân quả (hành động này là kết quả của hành động trước và lại là nguyên nhân của hành động sau). Theo hướng vận động đó các cảnh, các màn, các hồi, các lớp liên kết chặt chẽ với nhau, loại bỏ những gì thừa thãi, vượt đến đỉnh điểm của xung đột và hướng nhanh tới kết thúc.

Mối quan hệ giữa hành động và nhân vật kịch là trục chính để xác định tính cách của nhân vật. Nhân vật kịch luôn tự khẳng định bản chất của mình bằng hành động. Bản chất đố được thể hiện qua nhừng đằng xé dữ dội từ bên trong và những hành động quyết liệt bên ngoài.

Do đặc trưng của thể loại, nhận vật kịch không được khắc hoạ tỉ mỉ nhiều góc độ như nhân vật trong tác phẩm tự sự dài. Kịch là chộp những khoảng thời gian trong cuộc sống có sự xuất hiện những xung đột gay gắt, nóng bỏng nhất để phản ảnh cuộc sống trong tác phẩm. Vì thế nhân vật kịch hiện hình trong tác phẩm vào đúng thời điểm “bước ngoặt số phận”. Sau khi xuất hiện, nhân vật nhập ngay vào tuyến xung đột và bị cuốn nhanh vào guồng hành động của tác phẩm. Mọi tình huống trong tác phẩm đều góp phần đắc lực để cho nhân vật hành động. Tình huống kịch phải được khai thác tập trung, tiêu biểu của tính cách kịch. Nhân vật kịch không có tính cách đa dạng nhưng lại có được những đường nét nổi bật hơn và xác định hơn về mặt bản chất.

3.3. Ngôn ngữ kịch

Đối với một tác phẩm kịch tất cả mọi vấn đề xoay quanh hình tượng đều nằm trong ngôn ngữ nhân vật. Đó chính là hình thái tồn tại duy nhất của ngôn ngữ kịch. Các nhân vật kịch hình thành là do những lời lẽ của họ. Tác giả kịch bản không chỉ đứng trong tác phẩm với tư cách là nhân vật trung gian, có thể mách bảo, giải thích, thậm chí giật dây độc giả như trong tiểu thuyết. Tác giả xây dựng nhân vật của mình chủ yếu bằng ngôn ngữ hội thoại, chứ không phải bằng ngôn ngữ miêu tả. Qua ngôn ngữ hội thoại mà cốt truyện được thể hiện và phát triển.

Khi tiếp xúc với kịch bản văn học, chúng ta thấy có những lời chú thích ít ỏi của tác giả. Đó thường chỉ là những gợi ý cho phương pháp dàn cảnh, cách bài trí sân khấu và diễn xuất của diễn viên. Nó sẽ được thay thế hoàn toàn bằng nghệ thuật sân khấu khi kịch bản được trình diễn lúc ấy, nhân vật kịch sống trước chúng ta bằng những lời lẽ đối thoại, kèm theo một ít độc thoại. Tuy nhiên chỉ đối thoại hay độc thoại, trước hết đó là ngôn ngữ khắc hoạ tính cách. Mỗi nhân vật với một nguồn gốc xuất thân bản chất xã hội và một đặc điểm cá tính riêng phải có một tiếng nói riêng thật phù hợp.

Ngôn ngữ kịch là một hệ thống ngôn ngữ mang tính hành động. Hệ thống ngôn ngữ ấy có nhiệm vụ mô tả chân dung nhân vật kịch bằng một loạt các thao tác, hành động. tính hành động của nhân vật kịch không chỉ bộc lộ trong hình tượng sân khấu mà nó đã được hình thành ngay từ trong cấu tạo kịch bản văn học. Ngôn ngữ trong tác phẩm kịch phải đảm bảo cho sự phát triển đầy kịch tính của cốt truyện và phân tích hành động theo kiểu dây chuyền của các nhân vật kịch. Tính hành động là đặc điểm nổi bật của ngôn ngữ kịch là cơ sở giúp cho đạo diễn, diễn viên xử lý thích hợp cho hành động của nhân vật trên sân khấu.

Một yếu tố cuối cùng cũng không thể thiếu đối với một kịch bản văn học của một tác phẩm kịch đó là một hình thái ngôn ngữ hội thoại gần giũ với đời sống, súc tích dễ hiểu và ít nhiều mang tính khẩu ngữ. Khác với hình thái ngôn ngữ mang tính ước lệ; cách điệu trong ngôn ngữ truyền thống như tuồng, chèo hoặc cải lương, ngôn ngữ kịch nói không sử dụng thứ ngôn ngữ xa lạ với đời sống, ngôn ngữ hội thoại giản dị, tự nhiên, gần với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, sự giản dị tự nhiên ấy không mâu thuẫn với cách nói năng giàu ẩn ý và mang tính hình tượng mà có ý nghiã triết lý sâu xa thường có và phải có trong tác phẩm kịch. Là một hình thái ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ tác phẩm kịch phải đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện. Mặc dù rất gần giũ với ngôn ngữ nói hàngngày song tác phẩm kịch loại bỏ những lời lẽ thô thiển cũng như những cách nói năng tự nhiên chủ nghĩa. Tài năng của một người biên kịch bộc lộ ngay trong khả năng vận dụng tối đa sức mạnh đặc biệt của ngôn ngữ hội thoại để cấu trúc tác phẩm và khắc hoạ hình tượng.

4. Kịch bản điện ảnh

4.1. Sự ra đời của điện ảnh

Thế kỷ XIX chẳng những mở rộng rất nhiều ranh giới của thế giới mà còn đem lại cho loài người những phương tiện đầy hiệu lực để nhận thức thực tiễn quanh họ một cách đầy khoa học. Tuy nhiên, việc nắm bắt thế giới trên cơ sở khoa học đã không xác định được một cách chính xác trước sự phát triển nhanh chóng của nghệ thuật cũng như nhận thức về nghệ thuật. Người nghệ sỹ luôn nhận thấy những thiếu sót của các phương tiện mà họ sử dụng và cố gắng tìm cách khắc phục những hạn chế do kỹ thuật dành cho loại hình nghệ thuật đó gây nên. Chính việc khắc phục những trở ngại ấy đã làm nảy sinh những tác phẩm nghệ thuật chân chính. Thế kỷ thứ XIX đã mở ra cho con người những triển vọng phát triển mới và những chân trời mới thể hiện sự mong muốn từ lâu của con người nhằm tạo ra những nghệ thuật có thể truyền đạt sự phong phú và tính đa dạng của thế giới một cách đầy đủ và rõ ràng hơn bất cứ lúc nào trước đây.

Ý muốn nhằm tiến tới sự hoàn thiện quá trình sáng tạo, tới việc khắc phục sự thiếu sót của các phương tiện biểu hiện tất sẽ dẫn đến sự xuất hiện ước mơ về một thứ siêu nghệ thuật nào đó có khả năng sử dụng mọi phương thức tác động đến con người cả về thị giác lẫn thính giác, đủ bao hàm trong bản thân nó tất cả các tác phẩm hội hoạ, âm nhạc, văn học cùng một lúc.

Ở thế kỷ thứ XIX, người ta chỉ thấy việc thực hiện lý tưởng đó ở nhà hát mà thôi. Gớt đã miêu tả sự phong phú về tinh thần và tính đa diện về tình cảm của môn sân khấu: “Bạn ngồi đó với đầy đủ tiện nghi y như một ông hoàng và các vở kịch diễn ra ngay trước mắt bạn, tạo ra cho tình cảm của bạn và trí tuệ của bạn tất cả những gì mà bạn mong muốn, ở đó vừa có thi ca, vừa có hội hoạ, vừa có âm nhạc, vừa có nghệ thuật sân khấu rồi đủ tất cả, cái gì cũng có. Thế rồi khi tất cả những nghệ thuật ấy với ước vọng của tuổi trẻ và vẻ đẹp cùng tác động trong cùng một lúc và nhất là với một đội ngũ diễn viên hoàn hảo nhất thì đó quả là mộy ngày hội chẳng có gì so sánh”, Belinxki cũng nhìn thấy ở nhà hát một thứ nghệ thuật hoàn thiện nhất, gần gũi nhất đối với con tim chúng ta, bởi vì nó truyền đạt những ước mơ và việc làm của con người một cách chính xác và toàn diện hơn cả. Xcriabia lại mơ ước về một nền “nghệ thuật vạn năng, kết hợp được cả âm nhạc, hội hoạ, thi ca và múa”. Trong tất cả các quan điểm rất khác nhau ấy của các nghệ sĩ, vẫn thấy có một quan điểm giống nhau đó là mơ ước. Khái niệm về một nền nghệ thuật tổng hợp, nhất quán, có khả năng phối hợp rộng rãi những phương tiện biểu hiện nhằm miêu tả thực tiễn một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn.

Nghệ thuật điện ảnh chính là sự biểu hiện mơ ước ấy của các nhà thơ, học sĩ, nhà phê bình của tất cả những ai luôn cảm thấy âm thanh của nhạc khí, ngôn từ trên giấy và màu sắc trên vải sơn còn quá nghèo nàn, quá đơn điệu để truyền đạt sự phong phú bề ngoài và bên trong thế giới con người.

Tuy nhiên, sự phát minh ra điện ảnh hoàn toàn không liên quan gì đến nghệ thuật. Điện ảnh là do các nhà bác học chuyên nghiên cứu bản chất củạ sự vận động phát minh ra và không hề có ý miệm tạo ra một màn biểu diễn mới hay một phương tiện biểu hiện nghệ thuật nào hết. Nghệ thuật cũng không nằm trong tầm quan tâm, chú ý của những người làm công tác kỹ thuật nhiếp ảnh có ý muốn hoàn thiện nhiếp ảnh.

Đầu tiên chỉ là phát minh ra loại đồ chơi cơ khí prakximoxcop hay zootrôp gây ra được ảo giác của sự chuyển động. Tiếp theo là việc chế tạo các cỗ máy nhằm ghi lại hình ảnh chuyển động của các vật, con người và con vật. Máy chiếu tạo nên những hình ảnh chuyển động trên một nền vải trắng là sự bổ sung cho chiếc máy quay. Tuy nhiên các loại phát minh này đều không sống lâu bởi sự thiếu hoàn thiện về mặt kỹ thuật, chất lượng chiếu hình thấp, phim luôn bị rách, cấu tạo máy thiếu hoàn chỉnh. Công lao của hai anh em nhà Luymie là họ đã làm cho các công trình dở dang của các bậc tiền bối trở thành hiện thực và hoàn thiện hơn cùng với sự giúp đỡ của kỹ sư Cắcpăngchie, máy chiếu ảnh của họ ra đời trong phim của Lumiere đã xuất hiện những cảnh sinh hoat, những cảnh tượng ngộ nghĩnh, cảnh phố phường (tàu vào ga, khách bộ hành trên đường phố Paris) chứ không phải chỉ là những hình ảnh lặp lại những động tác giống nhau của những hình thù nhỏ bé như những tiều phu đốn củi. Cô vũ nữ leo dây…trong chương trình biểu diễn của những thước hình trong máy Kinetoxcop (1894) trước đó. Các thước phim của Luymie thể hiện “cuộc sống như chính nó có trên thực tế”. Người xem cảm thấy được tính tự nhiên của hình tượng trên màn ảnh. Sự trung thành tuyệt đối của người làm phim đối với các sự kiện, tính chân thực của việc miêu tả cuộc sống trên màn bạc. Bộ phim ngắn “Tàu vào ga” chứa đựng cả những khả năng nghệ thuật khác. Cảnh tàu vào ga, hành khách xuống tàu đi lại gần máy quay, người xem cảm thấy họ ở các cỡ cảnh khác nhau, từ toàn cảnh đến cận cảnh. Khác hẳn với cảnh sân khấu, nhà hát, không gian của màn ảnh thay đổi liên tục. Trước mặt người xem, lúc thì xuất hiện một phần nào đó của vật thể, lúc thì lại toàn bộ vật thể đó. Đó là điểm mới mẻ, là điểm xác định vẻ độc đáo của môn điện ảnh và nghệ thuật đặc trưng của nó. Tờ “Bec-li-ne lo-ca-li an-vai- ghe (1986) viết: “đó là cuộc sống dầy đặc được cảm nhận trong từng chi tiết đang diễn ra trước mặt chúng ta. Bất kể một loại ảnh nào cũng đều là hình ảnh nổi hình của thiên nhiên, hình ảnh chân thực đến từng chi tiết vụn vặt, khiến ta cảm tưởng như trước mặt ta là một thế giới thực sự”. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự trình làng của điện ảnh. Còn để đi đến một nghệ thuật điện ảnh đích thực phải trải qua những chặng đường dài: từ điện ảnh chợ phiên đến điện ảnh nghệ thuật.

4.2. Đặc trưng của điện ảnh

Điện ảnh có sự khác biệt với các loại hình nghệ thuật khác như: Hội hoạ, âm nhạc, điêu khắc. Bức tranh cổ “Cá chép ngắm trăng” với đường nét uyển chuyển, bóng trăng lung linh; những pho tượng La Hán với sức sống nội tâm dồi dào trong ánh sáng mờ ảo của chùa Tây Phương; hình ảnh một thiếu nữ vẻ mặt thanh tú, trong sáng, duyên dáng ngồi bên cành hoa huệ (Tô Ngọc Vân)...đã thực sự chộp được cuộc sống ngưng đọng trong băng vĩnh cửu... Nghe bản nhạc Du kích Sông Thao, ta hình dung qua âm thanh một dòng nước khi trôi lững lờ, lúc cuồn cuộn chảy, dạt dào, đầy vơi như phong trào du kích hai bên triền sông. Song những hình ảnh đó không hiện lên sống động như màn bạc và việc cảm thụ những tác phẩm âm nhạc, hội hoạ hay điêu khắc ấy còn tuỳ thuộc vào khả năng cảm thụ của mỗi người.

Văn học, với một từ vựng phong phú, giàu hình tượng, có khả năng phản ánh những cái lắt léo, thầm kín nhất của đời sống xã hội. Những hình ảnh tưởng tượng trên những trang viết lần lượt hiện lên trong đầu ta, rõ nét hay mờ nhạt còn tuỳ thuộc vào trí tưởng tượng, vào trình độ kiến thức và sự từng trải của mỗi người. Sân khấu, một loại hình nghệ thuật gần với cuộc sống hơn một chút, nhờ ở cảnh vật cụ thể và diễn xuất của những con người bằng xương bằng thịt. Nhưng nó không thể bê núi, sông, máy bay và hàng sư đoàn quân lên một không gian nhỏ hẹp. Sân khấu phải cần đạt tới những giả định, ước lệ. Cung điện nguy nga, núi cao rừng rậm chỉ là những hình vẽ trên phông vải. Một viên tướng đang hò hét, múa trước roi ngựa, dịch từng bước, khi khoan, khi mau vòng quanh sân khấu, theo sau có dăm ba tên phất cờ, vác giáo. Theo ước lệ, người ta có thể hiểu là ông ta đang cưỡi trên lưng ngựa chiến, dẫn đại đội binh mã, tiến ra biên ải... sức thu hút của tuồng, chèo chủ yếu là làn điệu, ở vũ đạo và đặc biệt ở những điệu bộ mang tính ước lệ khái quát cao.

Điện ảnh gần gũi với cuộc sống hơn cả. Tính chất này đã đòi hỏi phim từ diễn xuất tới bối cảnh, đạo cụ, từ lời thoại đến tiếng động, màu sắc, phục trang, hoá trang đều phải thực. Khán giả khó chấp nhận một bối cảnh giả, ước lệ như trong sân khấu. Tuy nhiên, điện ảnh gần gũi với cuộc sống không ccó nghĩa là luôn luôn y hệt như cuộc sống, không sao chép cuộc sống. Cũng giống như văn học, những mảnh đời, những tính cách, những hoàn cảnh được người biện tập kịch tập hợp lại chọn lọc tạo nên những tính cách điển hình, hoàn cảnh điển hình mang tầm khái quát cao. Nội dung của một kịch bản điện ảnh được thể hiện qua lời bình và tiếng, đó chính là ưu thế của điện ảnh. Điện ảnh là một nghệ thuật (nghệ thuật thứ bẩy) nên ít nhiều mang tính ước lệ: Cảnh chị Dậu chạy khỏi nhà “Quan Cụ trong một đêm giông tố sấm sét... là cảnh được nâng lên ở mức tượng trưng bao hàm ý sâu và gây xúc động mạnh.

Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp, nó tiếp tục các phương pháp thể hiện của các bộ môn nghệ thuật khác, nó tổng hợp những kinh nghiệm sáng tạo của tất cả các nghệ thuật ra đời trước nó như sân khấu, văn xuôi, thơ ca, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc... nó sử dụng khả năng biểu cảm trực tiếp của các nghệ thuật ra đời trước nó.

Về mặt này, điện ảnh gắn với sân khấu. Sân khấu có sự tổng hợp những phương tiện biểu đạt của văn chương, vũ đạo, hội hoạ, âm nhạc và hoà tan chúng vào diễn xuất của diễn viên. Nhưng cũng có thứ không hoà tan, đó là không gian ước lệ như các bộ môn sân khấu khác. Tính tổng hợp của điện ảnh cao hơn hẳn. Điện ảnh tồn tại trong cả không gian và thời gian, sự tổng hợp của không gian và thời gian là thực chất của điện ảnh. Ngoài ra việc sử dụng âm nhạc trên phim, trừ một số trường hợp hãn hữu, cũng chỉ là những mẩu ngắn không thành bài, tạo không khí cho một đoạn phim hay miêu tả nội tâm của nhân vật. Hay bức hoạ “Một con chiên đau khổ cần chúa” khi vào “Sông Đông êm đềm” cũng được chuyển động qua những dạng khác nhau. Đó là cảnh Natalia bị Grigôri ruồng bỏ, quỳ ngoài trời trong đêm mưa tuyết. Chị giang đôi tay quằn quại, thất vọng lên không trung mịt mùng, cầu van đấng tối cao hãy trừng phạt người chồng bội bạc. Yếu tố vũ, từng đi vào sân khấu cổ truyền của ta rất rõ, qua điệu bộ của tuồng (cách dịch bước, vuốt râu, rót rượu… hay qua lối múa biểu hiện, múa trang trí của chèo (quẩy hàng, xoè quạt…) được điện ảnh sử dụng nhưng ngọt ngào và kín đáo hơn, bé Nga (phim Chim Vành Khuyên) nhảy dây 3 lần, mỗi lần được coi là một động tác vũ, biểu hiện một trạng thái tâm tư nhất định: nhịp nhàng, thanh thoát khi vào đầu phim, lúc cô bé còn đầy đủ tính hồn nhiên, tươi mát; lúng túng, vấp váp khi tên Pháp buộc nhân vật phải nhảy trước mặt ông bố bị trói. Rồi bỗng đường dây lại tung bay thoăn thoắt khi cô bé nảy ra ý định chạy trốn để báo động cho đoàn cán bộ.

Điện ảnh học ở thơ phương pháp trữ tình. Điệng ảnh và thơ ca có cùng chung một cố gắng bắt các vật thể sống động nói lên tính cách tự nhiên. Sự rung động của thế giới sinh tồn được tái tạo, tăng lên và biến đổi, đó là sự dung hoà lẫn nhau của hình ảnh và tư tưởng.

Bằng phương tiện kỹ thuật và những thủ pháp điện ảnh chúng ta có thể diễn tả một cách đầy đủ và chân thật mọi sự vật, mọi thời gian, mọi thời đại, mọi phức tạp của tâm tư, mọi tư tưởng và hiện tượng phức tạp nhất của thực tế xã hội.

Như vậy, điện ảnh là một loại hình nghệ thuật tổng hợp và kế thừa những tinh hoa của nền nghệ thuật trước đó, kỹ thuật và kỹ xảo điện ảnh là phương tiện để thể hiện một tác phẩm điện ảnh. Điện ảnh là sự kết hợp giữa hai yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật với ý nghĩa đích thực của nó (phương tiện, máy quay phim…), là sự kết hợp của cả hình và tiếng.

4.3. Đội ngũ những người làm điện ảnh

Cũng như sân khấu, một tác phẩm điện ảnh ra đời là sản phẩm sáng tạo của cả một tập thể đạo diễn, diễn viên, biên kịch, người hoá trang, phụ trách ánh sáng, người quay phim (trong sân khấu khong có người quay phim).

Vai trò của mỗi thành viên trong tập thể này đều quan trọng nhất là người biên kịch - tác giả kịch bản – cơ sở chính của tác phẩm điện ảnh và người đạo diễn - người khai phá và sáng tạo lại một lần nữa kịch bản, thể hiện kịch bản băng những thước phim, những hình ảnh sáng, đầy ý nghĩa.

Biên kịch chính là người đầu tiên, là khởi đầu nên móng của bất kì bộ phim nào. Nếu nói chính xác thì vai trò của người Biên kịch trong một bộ phim là vai trò của người “sáng tạo” khi trong tay anh chưa có bất kì cái gì: câu chuyện, nhân vật, tình huống, bối cảnh...

Người Biên kịch bắt buộc phải là một người có:
1. Khả năng thiên bẩm về cảm thụ văn học, nghệ thuật, tính sáng tạo cao, trí tưởng tượng tốt...

2. Kỹ năng cuộc sống, tri thức, vốn sống phong phú. Tuyệt đối không viết về những gì mình không am hiểu, hoặc hiểu lơ mơ.

3.Được đào tạo bài bản, và có hệ thống về nghề, và về phương pháp làm nghề.

Chính vì thế, người Biên kịch phải là người có “tầm” hiểu biết, và cái nhìn vượt trên “tầm” của những người khác, mới có thể nhìn ra, tưởng tượng những điều không ai nghĩ đến, hoặc không thể nghĩ đến.

Đạo diễn là tác giả chính của bộ phim. Người đạo diễn chỉ huy, hướng dẫn thống nhất mọi hoạt động của diễn viên, quay phim, hoạ sỹ, làm nhạc sao cho thực hiện đúng với kịch bản.

Đạo diễn phải có tư chất của người viết, biết xử lý kịch bản. Công việc đầu tiên của người đạo diễn là nhận thức, phân tích kịch bản văn học để xử lý kịch bản văn học.

Kịch bản văn học là nền tảng của phim. Người đạo diễn phải biết xử lý, biến nó thành của mình, làm sao cho mình “ngấm” kịch bản.

Để nhận thức, phân tích, xử lý kịch bản, người đạo diễn cần có 3 yếu tố quyết định:

1. Khả năng cảm nhận (thuộc về thiên bẩm)

2. Tri thức, kinh nghiệm, vốn sống.

3. Nghề nghiệp (đào tạo, học tập)

Chính vì 3 yếu tố này mà cùng một kịch bản, giao cho các đạo diễn khác nhau, phim sẽ khác nhau. Ý đồ hình thành trên cơ sở khả năng cảm nhận và tri thức của mỗi người.

4.4. Các loại hình phim điện ảnh
- Phim truyện: Dùng cốt truyện hư cấu, dùng diễn viên đóng và tạo bối cảnh giả (hoặc bớt cảnh thật có cải tạo theo yêu cầu của nghệ thuật), tạo ảo giác giống cuộc đời thực.

- Phim khoa học: Mục đích của phim Khoa học là nhằm nâng cao nhận thức khoa học. Do đó hạt nhân của phim là một vấn đề khoa học chủ đề của phim là một vấn đề khoa học chủ đề của phim thường là những công trình khoa học đứng đắn nhất.

- Phim hoạt hình: Không dùng người thật làm diễn viên, thay vào đó là hình vẽ hoặc vật thể hoàn toàn bất động, áp dụng phương pháp quay phim từng hình và chiếu lên màn ảnh liên tục (24, 25 hình/giây), tạo ra ảo giác chuyển động. Chúng được các nhà làm phim “thổi hồn” vào và trở thành những nhân vật mang tính cách, suy nghĩ... như con gnười.

- Phim tài liệu: Xông thẳng vào những vấn đề thiết thân nhất của cuộc sống, tìm ra chủ đề và hình tượng ở đó. Qua việc ghi lại hình ảnh người thực việc thực, tác giả nâng lên tầm khái quát hoá bằng hình tượng, phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hiện tượng. Sự kiện nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng.

4.5. Kịch bản điện ảnh và vai trò của kịch bản trong điện ảnh

Những thước phim đầu tiên của Luymie (trừ phim “người tưới vườn” nổi tiếng) đều không có yếu tố trình bày, diễn xuất kiểu sân khấu, chưa hề có diễn viên, kịch bản cảnh trí là những thành phần tất yếu của phim truyện hiện đại. Phải đến Meliex nhà hoạt động sân khấu - đạo diễn - diễn viên chủ rạp- người sáng lập ra môn điện ảnh trình diễn, mới đưa diễn xuất của diễn viên lên sân khấu màn ảnh. Lúc đó tiết mục điện ảnh mới được trình diễn, dàn dựng và nghiền ngẫm, thay thế cho nguyên tắc phóng sự kiểu Lumiere “cuộc sống như nó vốn có” và kịch bản ra đời.

Ngày nay trong điện ảnh hiện đại, một bộ phim không thể không có kịch bản điện ảnh. Kịch là cái gốc, là bản thiết kế của bộ phim và phim là công trình hình ảnh.

5. Kịch bản điện ảnh

5.1. Kịch bản phim truyện

Một kịch bản phải hội tụ đầy đủ những yêu cầu sau:

- Thứ nhất, phải có ý tưởng.

- Thứ hai, phải có cốt truyện là lịch sử các mối quan hệ mâu thuẫn được thể hiện qua hành động, có các nhân vật xung đột, va chạm với nhau để bật ra các tình huống khác nhau và thái độ của tác giả trước tình huống đó.

- Thứ ba, phải tạo ra được trạng thái tình cảm.

Kịch bản phải có tính kịch. Đó là động lực để đẩy cốt truyện lên, tính kịch nằm ở ngay trong mâu thuẫn mà mâu thuẫn thì đầy tính kịch.

Kịch bản phim truyện chi tiết đến từng cảnh quay

5.2. Kịch bản phim hoạt hình:

Cũng giống như kịch bản của phim truyện, những nhân vật không phải là con người thực. Những hình vẽ, con rối, búp bê được nhà làm phim “thổi hồn” và trở thành nhân vật mang tính cách, suy nghĩ như con người. Phim hoạt hình có khả năng dẫn dắt người xem đi đến những thế giới kỳ lạ của những câu chuyện dí dỏm, ngộ nghĩnh, ít thấy ở mảng đời dung tục.

5.3. Kịch bản phim khoa học

Mục đích của phim khoa học là nhằm nâng cao nhận thức khoa học cho người dân. Kịch bản phim khoa học đơn giản không có hư cấu, không có mâu thuẫn như trong phim, nhằm thể hiện những công trình khoa học một cách đúng đắn nhất. Trong kịch bản, nhất thiết phải nêu rõ người chủ trì và phát minh ra công trình khoa học ấy.

5.4. Kịch bản phim tài liệu

Phim tài liệu phản ánh người thực việc thực. Phim tài liệu đem đến cho người xem những nhận thức và tư duy xuất phát từ hình ảnh có thực; nó nâng sự kiện lên tầm khái quát bằng hình tượng, phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hình tượng, sự kiện, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng. Đối tượng của phim tài liệu là con người, sự kiện, sự việc có thật trong đời sống.

Do những đặc điểm trên nên kịch bản phim tài liệu không giống như phim truyện, không có hư cấu và không có gợi ý diễn xuất dàn dựng. Kịch bản phim tài liệu bao gồm kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh.

Kịch bản văn học được viết ra theo ý tưởng, cảm xúc, lập luận của người biên kịch, nhưng chất liệu phải lấy từ cuộc sống hiện thực; các nhân vật, sự kiện, sự việc được ghép nối theo đường dây liên tưởng, cảm xúc lập luận lôgic của tác giả. Khác với phim truyện, phim tài liệu lựa chọn hình mẫu. Phim truyện khắc hoạ tính cách nhân vật ở những giây phút cá biệt, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất.

Kịch bản phim tài liệu mang tính giả định, dự kiến mọi sự kiện, nhưng các dự kiến này đều có cơ sở để thực hiện. Vì vậy kịch bản phim tài liệu có thể chi tiết đến từng cảnh quay.

Như vậy, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học. Bởi vì, một tác phẩm điện ảnh không phải là kết quả của một phút cảm hứng ngẫu nhiên của một nghệ sỹ thiên tài nào. Nó là sản phẩm của một sự đầu tư lớn, cả về nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và kinh tế. Là kết quả của sự đóng góp của tập thể các nghệ sỹ thuộc rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau: tác giả kịch bản văn học, đạo diễn, hoạ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, quay phim, dựng phim, thu thanh... Để có một bộ phim cần huy động cả một đội ngũ những nhà kinh tế (chủ nhiệm phim), kỹ sư hoá, công nhân in tráng, thợ máy chiếu, thợ mộc, thợ may... người ta đã tính đến những người tham gia quá trình sản xuất và phổ biến phim tới người xem là 72 dạng nghề khác nhau. Bảy mươi hai dạng nghề khác nhau xây dựng nên ngành điện ảnh. Nhưng “nghề” nào trong 72 nghề đó góp phần quyết định trong nghệ thuật đưa thứ trò kỹ thuật giải trí chợ phiên (thời kỳ đầu của điện ảnh) thành một nghệ thuật quan trọng? Đó là “nghề” sáng tác kịch bản văn học của điện ảnh nghệ thuật- nghề thực hiện khâu đầu tiên của một quá trình sáng tạo tập thể.

Nhà nghiên cứu, sáng tác và nhà sư phạm lão thành Xô Viết I.Mannhêvích viết trong cuốn “Điện ảnh và văn học”.

“Nhu cầu về chất liệu văn học đã xuất hiện đồng thời với sự ra đời của điện ảnh với tư cách một nghệ thuật trình diễn công cộng” Ngay những bộ phim đầu tiên đã được quay theo một dự kiến có sẵn từ trước và đã có một cốt truyện xác định. Mầm mống của kịch bản điện ảnh đã tồn tại ngay từ những ngày đầu mới phát minh ra điện ảnh. Muốn truyền đạt được nội dung phức tạp hơn món “kỹ thuật thần kỳ”- điện ảnh lúc ấy hướng trông vào văn học và đã trở thành một nghệ thuật. Nó đòi hỏi ngày càng cao ở những người viết chuyên môn cho màn ảnh.

Sự tham gia của những nhà văn chuyên nghiệp và những nhà biên kịch có tài năng văn học thật sự đã nâng cao chất lượng của phim, đã buộc bản thân nền điện ảnh phải tự nâng cao tầm mức khả năng thể hiện, phải hoàn thiện ngôn ngữ của mình để có thể tiếp nhận những kịch bản có chất lượng.

Sự xuất hiện của văn học điện ảnh chân chính đã thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng của nền điện ảnh từ một trò giải trí kỹ thuật thành một nền nghệ thuật thật sự. Và trong quá trình tự tiến lên của chính mình điện ảnh lại đòi hỏi văn học cũng tự hoàn thiện thêm nữa, “điện ảnh” thêm nữa để trở thành một loại hình hoàn toàn mới trong văn học, loại hình văn học điện ảnh.

Kịch bản văn học điện ảnh không giống một loại hình văn học nào sẵn có bởi vì, nó mang hai yếu tố văn học và điện ảnh.

Kịch bản điện ảnh nhằm gửi đến người thưởng thức một (hay nhiều) thông điệp nghệ thuật. Trong kịch bản có phần tác giả miêu tả người, việc, thiên nhiên, có đối thoại giữa các nhân vật và có khi cả lời nói sau màn ảnh... Trong kịch bản điện ảnh có mâu thuẫn, xung đột... Các yếu tố tự sự, trữ tình và kịch đều được vận dụng trong kịch bản điện ảnh. Có thể đọc nó như một tác phẩm văn học.

Nhưng nó được viết ra chủ yếu làm phim, cho nên nhất thiết phải có chất điện ảnh:
- Phải miêu tả những gì trông thấy được (để quay phim), có thể nghe thấy được (để thu thanh),
- Phải dung dị, trong sáng dễ hiểu (để đáp ứng nhu cầu của số đông người xem),
- Phải tính toán kiềm chế mức sử dụng bối cảnh phức tạp, cầu kỳ (để phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật),
- Phải khống chế dung lượng vừa đủ để làm phim với số giờ, phút kéo dài nhất định.


Định nghĩa về kịch bản điện ảnh, nhà lý luận V.Jđam nguyên hiệu trưởng Viện Điện ảnh Quốc gia mang tên S.A.Gerasimov -VGIK (cũ) nói:

“Kịch bản điện ảnh là điện ảnh ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên màn ảnh, cũng giống như kịch bản sân khấu là sân khấu ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên sân khấu”

Tóm lại, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học bao gồm hai yếu tố văn học và điện ảnh, chất liệu sáng tác của kịch bản xuất phát từ đời sống xã hội- con người, cách thể hiện của nó dựa trên cơ sở hư cấu (đối với phim truyện và phim hoạt hình) và sáng tạo của người nghệ sỹ.

6. Kich bản truyền hình

6.1. Sự ra đời và ưu thế của truyền hình

Mặc dù những chương trình truyền hình đầu tiên của những năm 30 của thế kỷ này là các tác phẩm điện ảnh, nhưng nguồn gốc của truyền hình lại độc lập với điện ảnh. Điện ảnh bắt đầu khai sinh với các bộ phim của anh em Luymiêre (Pháp 1859), trong khi đó mầm mống của truyền hình lại lại là con lắc truyền ảnh (1843). Mcụ đích của những thử nghiệm đầu tiên là những hình ảnh tĩnh, có nghĩa là nó có mối liên hệ với nhiếp ảnh trong giai đoạn tiền thân này. Có lẽ vì thế mà người ta cho rằng sự ra đời của vô tuyến truyền hình là một bước tiếp nối từ nhiếp ảnh “kỹ thuật vô tuyến truyền hình thường được xem là gắn liền với kỹ thuật nhiếp ảnh, nhờ vào sự thay đổi có tính chất cách mạng, việc ghi nhận các hình ảnh bằng điện, điện tử hay từ tính, cho phép làm được những “bức ảnh đóng hộp” dưới những hình thức khác nhau trên các băng nhựa hay trong hộp (catset). Thế nhưng truyền hình hiện đại (truyền hình sử dụng cable hay sóng vô tuyến) “màn ảnh nhỏ” đã kế thừa từ điện ảnh những hình ảnh chuyển động và thành quả phim có tiếng. Hơn thế nữa, truyền hình còn được thừa hưởng những điểm mạnh của nền nghệ thuật thứ 7 như Montage, cỡ cảnh, góc độ máy mà điện ảnh sơ khai đã phải mất hàng chục năm thử nghiệm mới gặt hái được. Và ngôn ngữ truyền hình gần như đồng nhất và kế thừa ngôn ngữ tạo hình điện ảnh. Lịch sử loài người là lịch sử của kế thừa. Điện ảnh ra đời là sự kế thừa của nhiếp ảnh, sân khấu, văn học, điêu khắc, hội hoạ, âm nhạc, còn truyền hình là sự kế thừa từ điện ảnh và báo chí. Như vậy truyền hình, một tờ báo hình, dùng phương tiện ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh để chuyển tải thông tin.

Mỗi một phương tiện truyền thông đều có một thế mạnh nhất định, nó bổ sung hỗ trợ cho nhau trong sự nghiệp chung. Tuy nhiên trong ba loại báo noi, báo viết, báo hình thì loại báo hình có thể hơn hẳn so với hai loại kia. Bởi ngoài việc bình luận, giải thích các hiện tượng, sự việc, hoặc một vấn đề nào đó truyền hình còn có hình ảnh sống động giúp người xem chứng kiến các sự kiện đang diễn ra. Ví dụ như đoạn phim cảnh tai nạn giao thông, xác người mặt nát bên vũng máu với chiếc xe máy bẹp dúm dưới gầm một chiếc xe ôtô, nhà làm phim truyền hình đã quay ngay thực tế đang diễn ra tạo ra được những hình ảnh đặc biệt nhất, tiêu biểu nhất nhằm làm rõ chủ đề của phim để người xem hiểu được ý nghĩa của người định truyền đạt tới họ. Hay những cảnh đi lại mất trật tự trên đường, vỉa hè trở thành vị trí thuận lợi để buôn bán, kinh doanh, họp chợ làm ách tắc giao thông nghiêm trọng. Những hình ảnh sống động đó, phần nào khiến cho người xem ý thức được tình trạng mất trật tự giao thông ở nước ta hiên như thế nào. Đây cũng chính là ưu điểm của truyền hình mà các loại hình báo chí khác không có được.

Hình ảnh phát sóng của truyền hình còn có khả năng vươn tới những vùng xa xôi khác nhau trong mọi miền của cả nước một cách nhanh chóng. Nhờ đó, mọi người dân dù ở đâu cũng có thể nhanh chóng biết được được những sự việc ở rất xa một cách tường tận. Đây là thế mạnh nữa của loại hình báo hình so với các thể loại khác.Ưu thế về âm thanh, hình ảnh, phản ánh cuộc sống một cách chân thật nhất đó cũng cho ta thấy quá trình làm ra một sản phẩm truyền hình khá phức tạp và kỳ công.

6.2. Vai trò và đặc điểm của kịch bản truyền hình

Một phóng viên báo viết đi đến cơ sở, thu thập tin tức, viết tin bài. Hoạt động sáng tác của nhà báo mang tính chất cá nhân. Họ viết những gì mình thu nhận được ra giấy bằng phương tiện ngôn ngữ chữ viết đơn thuần. Và bài báo hoàn thành, dẫu sao công việc cũng đơn giản.

Làm một chương trình truyền hình, cho dù là một bản tin ngắn cũng đều phải qua các khâu: xác định đề tài, chủ đề, phác thảo nội dung, lựa chọn cách để quay sao cho thich hợp với nội dung đó,... khâu cuối cùng là sắp xếp ghép nối các cảnh thành những câu bình, nối tiếp nhau lôgic. Dựa trên ý nghĩa đề tài của các cảnh, để viết lời bình.

Bất kỳ một tác phẩm truyền hình nào cũng là sản phẩm mang tính tập thể cao, là kết quả đóng góp của các thành viên: quay phim, biên tập, đạo diễn, dựng phim.

Vậy làm thế nào để có sự thống nhất giữa các khâu và tập thể tác giả đó? Về mặt này, truyền hình đã học tập điện ảnh: kịch bản truyền hình.

Một kịch bản có thể xem như xương sống của một sản phẩm truyền hình. Mỗi thể loại của truyền hình lại có những kịch bản mang đặc trưng tính chất riêng, phù hợp với thể loại đó. Chúng tôi xin bàn kỹ hơn về vấn đề này trong chương sau.

Kịch bản báo chí truyền hình mang tính dự kiến, dự báo, chứ không phải ở dạng ổn định. Bởi vì phần lớn các chi tiết trong kịch bản đều là những dự kiến của phóng viên về những cái sắp xảy ra trong một tương lai gần. Mặt khác nó không được phép hư cấu, vì vậy nó luôn dựa trên cơ sở người thật việc thật.

Kịch bản truyền hình bao giờ cũng dự kiến được những nét chung nhất của vấn đề mà nó đề cập. Các sự kiện, vấn đề, đặc biệt là những chi tiết của các sự kiện,vấn đề mà truyền hình đề cập thường hay thay đổi. Thông thường cho đến lúc dựng được một chương trình hay tác phẩm truyền hình thì bản thân chương trình và tác phẩm đó có khác nhiều so với kịch bản lúc ban đầu. Vì thế mà có nhiều kịch bản chỉ hoàn chỉnh sau khi đưa vào giai đoạn hậu kỳ.

Kịch bản báo chí truyền hình được xây dựng trên cơ sở các sự kiện có thật và nghệ thuật “ráp nối” các sự kiện bằng tư duy logic của tác giả. Nó thường được thể hiện dưới dạng: vừa là kịch bản văn học vừa là kịch bản đạo diễn, trong kịch bản toát lên toàn bộ nội dung của tác phẩm và biện pháp thể hiện tác phẩm. Kịch bản truyền hình được sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật điện ảnh để thể hiện tác phẩm, nhưng chất liệu của nó là những sự kiện, con người...có thật không được hư cấu. Hơn nữa, nó được viết ra ở dạng đề cương và sử dụng trong phạm vi hẹp nên nó không được dùng để thưởng thức như một tác phẩm kịch bản điện ảnh hay văn học nói chung.

Kịch bản, ngoài những tác dụng là “kim chỉ nam” cho hoạt động của phóng viên và quay phim, là “linh hồn” cho tập thể làm phim, giúp cho tác phẩm có chủ đề tư tưởng, đối tượng phục vụ, cách thể hiện tác phẩm rõ ràng rành mạch,...kịch bản còn là căn cứ để phóng viên thu thập tài liệu, sử dụng có hiệu quả tiếng động hiện trường, chọn âm nhạc phù hợp với nội dung tư tưởng, tác phẩm...bởi vì xem kịch bản người phóng viên biết mình cần thu thập tài liệu gì, phỏng vấn ai, câu hỏi như thế nào?... Hơn nữa, kịch bản còn chỉ cho ta thấy cảnh nào, chi tiết nào của sự kiện là chính và hình ảnh nào, chi tiết nào là phụ để từ đó xác định số cảnh cần quay và sắp xếp các sự kiện theo logic nhất định (nếu là kịch bản chi tiết), qua kịch bản người quay phim còn có thể biết quay cảnh nào, góc độ nào có hiệu quả cao... Nhờ có kịch bản mà toàn bộ tư liệu và hình ảnh quay về, phóng viên đều có thể sử dụng vào các tác phẩm và đủ thể hiện toàn bộ nội dung mà tác phẩm muốn trình bày.

Xây dựng kịch bản là công việc đầu tiên sau khi xác định đề tài, chủ đề. Việc xây dựng kịch bản chính là sự xác định và thống nhất hành động đối với những việc cần làm của thành viên nói trên thông qua các bước quay, dựng và viết lời bình. Đấy là kịch bản của một tác phẩm truyền hình.

Đối với cả một buổi truyền hình thì sao? Việc sắp xếp các chương trình truyền hình, chương trình nọ lại tiếp nối chương trình kia một cách logic, và sử dụng hình hiệu của các chương trình như thế nào, cần có một kịch bản không. Theo chúng tôi, chắc chắn phải có kịch bản. Nhưng chức năng kịch bản này không phải là sự thống nhất giữa các khâu và tập thể làm phim mà là sự thống nhất giữa các chương trình truyền hình nhỏ (bông hoa nhỏ, thời sự, chuyên đề, quảng cáo thời tiết) để tạo nên một tổng thể chương trình lớn của một tờ báo hình với đúng nghĩa của nó.

Như vậy thể hiện bằng ngôn ngữ âm thanh, hình ảnh, truyền hình thực sự mở rộng phạm vi của mình: không chỉ thông tin thời sự, chính trị, truyền hình đã sang cả khu vực sân khấu và điện ảnh, những vở kịch, sân khấu cổ truyền hay bộ phim. Giờ đây muốn xem, người ta không cần phải ra rạp xinê hay nhà hát để thưởng thức. Màn ảnh nhỏ đã đáp ứng được nhu cầu này, nó thực sự là người bạn thân thiết trong gia đình và đó là sự kỳ diệu và uyển chuyển của truyền hình.

Một chương trình truyền hình là tổng hợp của nhiều thể loại báo chí và loại hình nghệ thuật khác nhau (sân khấu, điện ảnh) nên kịch bản các thể loại này cũng hết sức đa dạng. Tuy nhiên, truyền hình trước hết là một loại báo hình, nó mang các đặc tính của báo chí. Do đó vấn đề kịch bản truyền hình, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết trên phương diện kịch bản của các thể loại báo chí như tin truyền hình, phóng sự, bình luận, phỏng vấn...trong chương II.

Đối với báo viết và phát thanh công việc chuẩn bị kịch bản đã là quan trọng, nhưng trong truyền hình thì kịch bản là cần thiết không thể thiếu được. Bởi vì, ngôn ngữ của báo viết là dùng chữ viết để thể hiện (đôi khi còn dùng ảnh để minh hoạ), phát thanh thì dùng ngôn ngữ âm thanh để tác động vào thính giác người nghe, nên khi đi thực tế phóng viên báo viết và phát thanh chủ động hơn trong việc thu thập tài liệu và tiếp xúc đối tượng mà tác phẩm đề cập, hơn nữa phương tiện kỹ thuật dùng trong quá trình làm tác phẩm gọn nhẹ và đơn giản hơn. Còn trong truyền hình, do đặc trưng của ngôn ngữ truyền hình là nghe- nhìn, nó không những chỉ thể hiện bằng lời bình, âm nhạc, tiếng động hiện trường mà còn có cả hình ảnh. Đối với truyền hình, hình ảnh là yếu tố tác động mạnh nhất tới người xem (60% nhìn và 30% nghe). Vì vậy khi đi thực tế ngoài việc thu thập, khai thác tài liệu như báo viết, phát thanh, người phóng viên truyền hình còn phải ghi được những hình ảnh về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong thực tế. Nếu không có sự chuẩn bị kịch bản thì làm sao phóng viên có thể chủ động htực hiện được tác phẩm trong lúc hàng trăm chi tiết của cuộc sống liên tục tác động vào nhãn quan, giác quan của phóng viên; không có kịch bản làm sao người quay phim có thể hiểu được ý đồ phóng viên và nội dung tác phẩm cần thể hiện để mà chọn lọc ghi lại những hình ảnh có giá trị, mang đầy nội dung và ý nghĩa. Hơn nữa, một tác phẩm truyền hình không phải là sản phẩm riêng biệt của người phóng viên như trên báo viết và phát thanh mà nó chỉ là sản phẩm của cả một tập thể gồm: phóng viên, quay phim, ánh sáng, kỹ thuật, lái xe... Vì vậy kịch bản ngoài tác dụng cho phóng viên quay phim còn là “phương tiện” giúp cho nhóm làm phim hiểu được nội dung, hình thức tác phẩm và nhìn vào kịch bản tự mỗi thành viên còn có thể biết công việc của bản thân mình. Nhờ có kịch bản tập thể làm phim thực hiện công việc nhịp nhàng ăn ý, và góp phần làm giảm bớt sự tốn kém vật chất cho đoàn làm phim.

Khác với kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình thường chỉ sử dụng một lần giống như kịch bản phim. Bởi vì kịch bản trong truyền hình và kịch bản điện ảnh sau khi dàn dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh có thể phát sóng hoặc chiếu phim được coi như kịch bản đã hoàn thành “nhiệm vụ”. Muốn xem lại tác phẩm người ta chỉ việc đem phát sóng hoặc chiếu lại tác phẩm đã được dàn dựng và sử dụng lần trước chứ hiếm khi mang kịch bản đó được dàn dựng lại. Nói một cách khác, sau khi kịch bản truyền hình hoặc phim truyện được sử dụng, người ta đã có một “thành phẩm” hoàn chỉnh và muốn xem lại người ta đem “thành phẩm” đó ra phát sóng và chiếu lại. Còn một kịch bản sân khấu thì được nhiều đoàn sân khấu dàn dựng và biểu diễn, đồng thời sau buổi biểu diễn thì “thành quả” chỉ còn lại ở tâm trí những người xem vở diễn, muốn trình diễn cho những khán giả xem thì lại dùng kịch bản đó dàn dựng từ đầu. Nói cách khác mỗi lần biểu diễn là một lần các nghệ sỹ sân khấu lại sử dụng kịch bản một lần và một kịch bản sân khấu có thể được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác. Ví dụ như các vở bi, hài kịch của Sechxpia.

6.3. Phóng viên biên tập tác phẩm truyền hình

Phóng viên biên tập là người chịu trách nhiệm chính, đảm nhận những công việc quan trọng, nặng nề trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí truyền hình. Trong hàng loạt công việc người biên tập phải làm, việc quan trọng đầu tiên là viết kịch bản hay làm đề cương cho tác phẩm. Dù là kịch bản hay đề cương thì cũng phải xác định rõ đề tài tư tưởng, chủ đề cho tác phẩm.

John Hohenberg, một tác giả người Mỹ đã viết:

“Người nào viết cho truyền hình cũng phải biết kết hợp sự khéo léo và trí sáng suốt của nhà soạn kịch, của người viết truyện cho điện ảnh và của ký giả thực nghiệm”

6.4. Một số khác biệt giữa truyền hình và điện ảnh

Tuy truyền hình được thừa hưởng nhiều điểm mạnh của nền nghệ thuật thứ bẩy đặc biệt là về kỹ thuật Montage, cỡ cảnh, góc độ máy... nhưng truyền hình cũng có những nét riêng phân biệt để có bản sắc đặc thù của mình về mục đích và kỹ thuật quay dựng hình ảnh.

Về mặt hình thức, truyền hình và điện ảnh có cùng một phương thức truyền thông: Ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh nhưng về bản chất, truyền hình điện ảnh là hai lĩnh vực khác nhau, do đó nội dung, mục đích đối tượng tác động, vai trò của hình ảnh và âm thanh giữa chúng cũng có những điểm khác biệt.

Cũng như bất kỳ một loại hình báo chí nào khác, truyền hình có chức năng chủ yếu là thông tin thời sự và xác thực về mọi sự kiện diễn biến xảy ra hàng ngày trong cuộc sống tới đông đảo quần chúng. Tính phổ cập là điều không thể thiếu được trong thông tin báo chí. Đối tượng phản ánh của truyền hình là bản thân sự phát triển của cuộc sống, là cuộc sống như chính nó có trên thực tế thông qua việc thể hiện những sự kiện hiện tượng, con người có thực, những vấn đề hết sức lớn lao, quan trọng được mọi người quan tâm.

Trong khi đó, điện ảnh lại là một loại hình nghệ thuật thường phản ánh cuộc sống thông qua những hình tượng nghệ thuật qua sự đề xuất và cảm xúc thẩm mỹ với khả năng hư cấu không hạn định. Nhiều thủ pháp điện ảnh ra đời nhằm phục vụ cho yêu cầu tái tạo một cách thẩm mỹ cuộc sống ở mọi khía cạnh, mọi ngóc ngách, ở dạng thái biểu hiện của hiện thực cuộc sống.

Ở điện ảnh, người xem thưởng thức tác phẩm nghệ thuật nắm được thông tin, ý đồ của đạo diễn thông qua câu chuyện kể trên màn ảnh người xem nhiều khi có cảm giác đứng cạnh sự kiện đang xảy ra khi người quay phim sử dụng góc độ chủ quan, nhưng giữa họ với nhân vật vẫn có một khoảng cách. Nhân vật trong phim không bao giờ nhìn vào khán giả (có thể nhìn vào ống kính quay phim, nhưng là vào đối tượng được chiếu lên những cảnh sau đó…) với mục đích tái tạo cuộc sống ở mức độ cao nhất có thể được để khán giả không có cảm tưởng đó là phim, mà là cuộc sống. Khi xem một bộ phim, khán giả có thể bị say mê, cuốn hút vào cốt truyện, vào những tình tiết và những mối quan hệ, những mâu thuẫn phức tạp. Họ dường như sống một cuộc sống khác, cuộc sống của những nhân vật trong phim, họ có thể yêu nhân vật này, ghét nhân vật kia… Điện ảnh thuyết phục con người bằng tình cảm. Qua con đường tình cảm, điện ảnh thể hiện chức năng thẩm mỹ, chức năng giáo dục và chức năng giải trí của mình.

Truyền hình thì sao? Một tác phẩm truyền hình đến với công chúng là sự kể lại, tường thuật bằng hình ảnh và âm thanh những gì tác giả đã chứng kiến, cho nên phải có đối tượng để kể, đó là người xem. Cái mà người xem quan tâm không phải là cốt truyện hư cấu cùng với sự diễn xuất của người diễn viên trong điện ảnh, mà là những sự kiện, hiện tượng có thật trong đời thường có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân: những chỉ thị của Đảng, Chính phủ, tình trạng thiếu nước ở Hà Nội, vấn đề môi trường và ô nhiễm môi trường, vấn đề đê điều, vụ án Nguyễn Tùng Dương, chân dung cuộc đời người nữ anh hùng Nguyễn Thị Định… và việc đưa những thong tin này với những lỹ lẽ mang tính thuyết phục một cách nhanh chóng nhất, trực tiếp, kịp thời nhất.

Sự kế thừa ngôn ngữ điện ảnh của truyền hình là một tất yếu đã giúp cho truyền hình có một tầm ảnh hưởng vượt trội so với anh em của nó- báo in, báo phát thanh. Nhưng đó không phải là sự sao chép y nguyên bản gốc kể cả khi truyền hình có mối liên hệ mật thiết với điện ảnh chính luận (phim thời sự, tài liệu) về phương pháp và nội dung phản ánh (các bộ phim đầu tiên do anh em Luymiere thực hiện “Tàu vào ga”, “Bữa ăn sáng của em bé” mà trừ một và trường hợp ngoại lệ (chẳng hạn như phim “Người làm vườn nổi tiếng”), hầu hết các phim của Luymiere đều là phóng sự, tài liệu.

Việc chỉ ra sự khác biệt giữa hình ảnh truyền hình và chính luận không có một mục đích nào ngoài việc tăng hiệu quả tác động thông tin, truyền cảm đối với khán giả truyền hình, bởi vì áp dụng tiến bộ thủ pháp điện ảnh nhiều khi không làm cho hình ảnh truyền hình thêm phần nghệ thuật mà ngược lại là khác. Hơn nữa sự khác biệt ấy một phần nào chỉ ra đặc trưng của kịch bản phân cảnh điện ảnh và kịch bản phân cảnh truyền hình.

Về đặc tính kỹ thuật của hình ảnh: Hình ảnh điện ảnh trên phim nhựa (sau khi quá trình xử lý kỹ thuật hoá chất) là những hình ảnh mang tính quang học thuần tuý và sự truyền đạt chất lượng cao độ trung thực và sắc nét gần giống như cuộc sống.

Hình ảnh truyền hình chỉ là những hình ảnh được xử lý, tái tạo thông qua các tài liệu điện tử mà khả năng truyền đạt về độ sắc nét, trung thực về màu sắc còn kém so với điện ảnh.

Chính vì lý do đó nên hình ảnh truyền hình kém rõ ràng trong những cảnh quay xa, những vật nhỏ khó nhận ra hoặc không tìm thấy được, nhất là những hình ảnh truyền hình lại được xem trong phạm vi “màn ảnh nhỏ gia đình”. Ngoài ra độ đậm nhạt, tương phản của truyền hình cũng còn kém xa so với điện ảnh. Muốn khắc phục điểm yếu đó truyền hình không còn cách khác phải sử dụng phương pháp phóng to lên như là một nghệ thuật quan trọng hướng người xem tới những điểm chủ yếu, hiểu được sự việc đang diễn ra. Bởi vậy, người ta quan niệm truyền hình là nghệ thuật cận cảnh. Khái niệm cận cảnh trong truyền hình nên được hiểu một cách linh hoạt theo kiểu “những hình ảnh phóng to” chứ không nhất quán là cận cảnh điện ảnh, những hình ảnh ở dưới vai người trở lên.

Sự khác nhau về mục đích và yêu cầu:
Một tác phẩm điện ảnh là một bộ phim kể bằng hình ảnh. Các cảnh, các trường đoạn không những phải được kết hợp logic, bám sát kịch bản phân cảnh mà còn phải thể hiện được tính nghệ thuật tới mức cao nhất bằng việc sử dụng các cách quay chủ quan, khách quan kết hợp với các xảo thuật trong điện ảnh.


Trong phim “Khi đàn sếu bay qua” (Đạo diễn M.Kola tazop) “Nhà quay phim tài năng Urusepxki đưa ra khuôn mặt của Xamolova lên màn ảnh với kích thước lớn nhất mà ống kính cho phép. Ông ghi lại được tất cả những thay đổi tinh tế nét mặt người nghệ sỹ. Có thể nói, từ khuôn mặt Xamolova, nhà quay phim đã sáng tác ra một bài thơ về sức diễn cảm” .Sức mạnh của nghệ thuật điện ảnh chính là ở chỗ thể hiện sự vật một cách tinh tế nhất, biểu cảm nhất, chân thực nhất bằng hình ảnh.

Đối với báo hình, tính thông tin, tính thời sự của hình ảnh được đặt ra rất cao so với yêu cầu thẩm mỹ của hình ảnh.  Vừu như ở phim truyện, để có một bộ phim thì phải mất nhiều thời giờ dàn cảnh, bố trí đạo cụ, phục trang, hoá trang... Một cảnh quay được thực hiện nhiều lần để cho ra một thước phim nghệ thuật, tính thẩm mỹ cao trong từng khuôn hình, bố cục ảnh, ánh sáng, lý tưởng thì trong truyền hình, cụ thể là những thể loại báo chí phóng sự tin, giá trị thông tin, tầm quan trọng của sự kiện, vấn đề được ghi lại trong những thước phim thời sự đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến tính thẩm mỹ. Hơn nữa thông tin báo chí là thông tin sự kiện hiện tượng nóng hổi xảy ra, nếu chỉ chăm làm sao đạt được tính thẩm mỹ, nghệ thuật thì sự kiện đó vụt trôi qua mất rồi. Nhiều khi những hình ảnh “nhấp nhổm” không nuột mà lại tăng tính thuyết phục của phóng sự lên, nhất là những thước phim chiến sự. Để thu hình kịp mà không bỏ lỡ diễn biến sự kiện, người quay phim ít có điều kiện bố cục, khuôn hình chuẩn, góc độ lý tưởng, ánh sáng hoàn hảo để tạo hình mà cố gắng ghi cho được không sót một chi tiết nhỏ nhặt nhưng quan trọng của sự vật đang diễn ra. Nhờ ghi lại được những hình ảnh có giá trị tư liệu như vậy nên có thể cung cấp chất liệu cho các bài bình luận hàng tuần, cho các phim tài liệu.



Không có nhận xét nào: