Thứ Ba, 5 tháng 7, 2016

Chọn máy ảnh Full-Frame hay Crop Frame

Để so sánh sự khác nhau của cảm biến Full-frame và Crop ,ta so sánh qua một số tiêu chí sau:
Khung hình; ISO/Noise; ; Độ phân giải; Giá thành; Lựa chọn ống kínhTrọng lượng và kích thước



Khung hình:

Cảm biến Full-frame (36 x 24 mm) là cảm biến có kích thước bằng với tấm phim 35mm dùng trong máy ảnh cơ ngày trước. Cảm biến APS-C (hay còn gọi là crop/DX) là cảm biến có kích thước nhỏ hơn tấm phim 35mm từ 1.3 lần (1.3x), 1.5 lần (1.5x), 1.6 lần (1.6x). Việc này dẫn đến chuyện ở cùng 1 khoảng cách chụp, cùng 1 tiêu cự nhưng ảnh của cảm biến Full-frame sẽ có góc nhìn rộng hơn ảnh của cảm biến APS-C.

Vài năm trước, hầu hết những người chụp ảnh đều mê mẩn những chiếc máy ảnh có cảm biến full-frame bởi độ phân giải lớn, giảm nhiễu hạt (noise) khi chụp ở ISO cao. Nhưng những cải tiến vượt bậc trong kĩ thuật sản xuất cảm biến và công nghệ chip xử lý hình ảnh đã khiến các ưu điểm nêu trên dần trở nên không cần thiết.


ISO/Noise:


Các mức ISO trên Nikon D3100

Thời điểm hiện tại, những đời máy cảm biến APS-C cũng mang lại cho người dùng những tấm ảnh chất lượng cao và noise thấp khi chụp ở ISO cao.

Nhìn vào các sản phẩm ra mắt gần đây: Nikon D7100/7200, Pentax K-3/K-5 hay Canon EOS 7D Mark II với ISO có thể lên tới 25.600, tương đương với đời máy Nikon D700 và Canon 5D MK II của 7 năm về trước.

Thực tế, đa số các máy ảnh DSLR mới ra mắt gần đây đều có thể chụp ở mức ISO 1600 đến 3200 với mức độ noise chấp nhận được. Đặc biệt, khi kết hợp với ống kính có độ mở lớn và máy ảnh hỗ trợ tính năng chống rung thì việc đảm bảo tốc độ chụp cũng như chất lượng hình ảnh là điều không khó.

Trong trường hợp sử dụng ánh sáng ngoài như đèn studio hay đèn flash speedlight, người dùng hoàn toàn có thể chụp ở điều kiện ISO thấp.

Ngoài ra, còn phải kể đến khá nhiều phần mềm chỉnh sửa ảnh có thể khắc phục hiện tượng noise khi xử lí hậu kì. Ví dụ, một tấm ảnh chụp ở ISO 1600 có thể trở nên mịn màng tương đương với ảnh được chụp tại ISO 400 nhờ các phần mềm chuyên chỉnh sửa ảnh như Adobe Lightroom hoặc Noise Ninja.

Độ phân giải:

Độ phân giải không ảnh hưởng đến chất lượng ảnh

Độ phân giải chỉ nói lên kích thước của ảnh chứ không quyết định chất lượng ảnh.

Các máy ảnh DSLR cảm biến APS-C hiện đại đều đạt độ phân giải 18 – 24MP. Những bức ảnh có độ phân giải 3MP đã đủ cho bản in cỡ 12×18 cm, ảnh có độ phân giải 1MP đủ để xuất bản trên các website. Và, ảnh phân giải 18 – 24 Megapixels phù hợp cho tất cả mọi nhu cầu kể trên.

Kết quả kiểm tra máy trên DxOMark.com (1 trang web chuyên đánh giá máy ảnh, ống kính), chất lượng ảnh của các máy sử dụng cảm biến APS-C (hay DX/Crop) không khác biệt nhiều so với máy ảnh cảm biến Full-frame (hay FX). Với những bức ảnh ở cỡ 12×18 cm, cần tới một đôi mắt tinh tường mới có thể nhận ra sự khác biệt về chất lượng hình ảnh, độ sắc nét và khả năng lên chi tiết.

Giá thành:

Canon 1DX và Nikon D4s là 2 mẫu DSLR đắt nhất hiện nay của mỗi hãng

Máy ảnh sử dụng cảm biến Full-frame vẫn duy trì một mức giá bán đắt đỏ. Một chiếc FF cũ, giá rẻ nhất cũng khoảng 1000 – 1200$ trở lên. Trong khi đó, mức giá của hầu hết các máy APS-C đều dao động ở 500-1000$.

Giá của máy Full-frame phụ thuộc nhiều vào mức giá của cảm biến vì chi phí sản xuất cảm biến FF cao gấp nhiều lần so với chi phí để sản xuất cảm biến APS-C.

Về mặt kĩ thuật, hầu hết máy ảnh Full-frame hiện nay đã bị các máy ảnh sử dụng cảm biến APS-C đời mới đuổi kịp. 
Lấy ví dụ, Canon 7D Mark II sử dụng cảm biến APS-C nhưng lại được nhiều chuyên gia đánh giá tốt hơn Canon 5D Mark II. Canon 7D Mark II có hệ thống lấy nét tự động AF tốt hơn và có tới 2 bộ vi xử lí DIGIC VI thay vì 1 bộ vi xử lý DIGIC IV như ở 5D mark II. Với bộ vi xử lý hình ảnh kép này, 7D có thể chụp tới 10 hình/giây, trong khi tốc độ của 5DMK II chỉ là 3.9 hình/giây.

Lựa chọn ống kính:


Sử dụng máy ảnh cảm biến APS-C, người dùng có thể sử dụng cả ống kính cho máy ảnh APS-C và ống kính cho máy ảnh Full-frame. Còn khi sử dụng máy ảnh Full-frame, chỉ có phương án duy nhất là các ống kính thiết kế riêng, nếu không muốn bị các hiện tượng quang sai như vignett hay đơn giản chỉ là không thích hợp về ngàm
 lắp ống kính.


Hệ ống kính của Canon

Ví dụ như Canon, ống kính ngàm EF dành cho cả máy ảnh Full-frame và máy ảnh APS-C, còn EF-S chỉ dành cho máy ảnh APS-C. Về Nikon, những ống kính có chữ DX trên thân được dùng cho máy APS-C, không có chữ DX thì dùng được cho cả máy Full-frame và APS-C.

Độ dài tiêu cự của các ống kính nhờ vào cảm biến APS-C mà có vẻ trở nên dài hơn. Nếu lắp ống kính 100mm vào máy ảnh APS-C thì tiêu cự thực tế trên máy sẽ tương đương các ống kính 150mm (với các máy Nikon, Pentax, Sony,..) hay 160mm (với máy ảnh Canon). Điều này vô cùng thuận tiện nếu người dùng là nhiếp ảnh gia chuyên chụp vật thể cách xa như động vật hoang dã hay sự kiện thể thao.

Trọng lượng và kích thước:


Bộ gear này nặng khoảng 3 kg

Ống kính cho máy ảnh cảm biến Full-frame thường lớn hơn và nặng hơn ống kính APS-C. Giá của chúng tất nhiên cũng cao hơn do chi phí sản xuất bởi ống Full-frame cần loại thấu kính chất lượng cao và lớn hơn.

Ví dụ, ống kính Nikon DX VR Macro 85mm, nặng 355g có giá bán 477$, trong khi ống kính Nikon VR Micro 105mm đắt gấp đôi và cũng nặng gấp đôi.

Về trọng lượng và kích thước, thân máy FF nặng hơn 40-60% thân máy APS-C và to hơn vì có kính ngắm quang học lớn hơn. Do đó, việc mang vác thân máy và ống kính full-frame trong khoảng thời gian dài vô cùng vất vả, chưa kể tới việc người dùng cũng cần tới một túi đựng máy ảnh lớn hơn để phù hợp với những thiết bị cồng kềnh này.

Kết luận:

Các phân tích trên cho thấy, việc sử dụng một máy ảnh Full-frame chưa hẳn đã là một ý kiến hay. Với công nghệ sản xuất máy ảnh hiện nay, cùng những ưu thế của máy ảnh cảm biến APS-C thì nhiều người sẽ nghiêng về phía máy ảnh cảm biến APS-C.

Lẽ đương nhiên, máy ảnh Full Frame có rất nhiều ưu điểm vượt trội, nhưng sẽ phù hợp hơn nếu là một nhiếp ảnh chuyên nghiệp và ngân sách rủng rỉnh. Nếu bạn chỉ là một người dùng nghiệp dư, hãy hài lòng với những chiếc máy ảnh cảm biến APS-C và đừng quan tâm đến cuộc chạy đua “súng ống” trong máy ảnh.





Theo windybook; bow101, 3, 4

Không có nhận xét nào: